Bảo đảm an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững
Theo đánh giá của Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), BR-VT là một trong những địa phương quản lý chặt chẽ các ao hồ, có hệ thống cấp nước sạch tốt, an toàn hàng đầu tại Việt Nam.
Nhờ áp dụng các chính sách nghiêm ngặt về ưu tiên bảo vệ nguồn nước nên các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều đạt chất lượng nước theo quy chuẩn cho phép. Trong ảnh: Hồ chứa nước ngọt hồ Quang Trung (huyện Côn Đảo). |
Theo Sở TN-MT, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản, quyết định nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, tháng 8/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2344/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh”. Tiếp đó, tháng 9/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ban hành “Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh”…
Gần đây nhất, tháng 1/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3636/QĐ-UBND về “Danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh”.
Có 23 danh mục dự án không thu hút đầu tư và 5 danh mục dự án hạn chế thu hút đầu tư. Với các danh mục dự án không thu hút đầu tư gồm: chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản; dự án nhuộm, thuộc da; dự án dệt có công đoạn nhuộm; dự án sản xuất thép; dự án sản xuất giấy các loại; chế biến thủy, hải sản; sản xuất công nghiệp có hỗ trợ công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất phân bón vô cơ; xây dựng cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm; dự án xây dựng sân Golf… 5 danh mục dự án hạn chế đầu tư gồm: chế biến nông – lâm sản có công nghệ lạc hậu, ngâm tẩm hóa học; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp; chế biến thực phẩm; giết mổ gia súc, gia cầm; xây dựng nghĩa trang.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, những hành lang pháp lý trên bước đầu đã tạo ra “hàng rào” để bảo vệ nguồn nước của tỉnh, quy định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức của các cơ quan quản lý. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh đã bị từ chối ngay từ đầu vì không đáp ứng được yêu cầu về môi trường tỉnh đề ra, đặc biệt là những yêu cầu nằm trong quy định bảo vệ nguồn nước trong đó có những dự án lên đến hàng tỷ USD.
Ngay sau khi xây dựng xong các “hàng rào” bảo vệ môi trường, tỉnh tập trung khắc phục, xử lý những tồn tại để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, ngày 23/3/2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo rõ các cấp, các ngành phải: “Thực hiện các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Suối Các, hồ Núi Nhan, hồ Châu Pha, hồ Kim Long, hồ Suối Nhum”. Đồng thời Tỉnh ủy cũng yêu cầu Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và các địa phương có liên quan rà soát, cương quyết di dời các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước.
Công nhân vận hành máy móc tại Nhà máy nước hồ Đá Đen (TP. Bà Rịa). |
Đến nay, tỉnh đã chấm dứt hoạt động xưởng nhuộm của Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam tại thượng nguồn hồ Đá Đen; kiểm soát nguồn nước thải từ Khu xử lý chất thải Thiên Phước (Đồng Nai) chảy về tỉnh; kiểm soát được hầu hết các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng tới các hồ cấp nước. Với hơn 18.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hầu hết đã đầu tư chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó hơn 35% hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải, nước thải (biogas); 100% KCN – CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 100% rác thải công nghiệp, rác thải y tế đều được thu gom. Tính đến nay, tỷ lệ dân nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, trong đó sử dụng nước máy từ các hệ cấp nước tập trung đạt tới 91,2% (tăng hơn 25% so với 2015).
Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, các điểm nóng về môi trường ngày càng giảm. Năm 2017, toàn tỉnh có 12 điểm nóng về môi trường, năm 2018 còn 10 điểm nóng và đến cuối năm 2019 chỉ còn 6 điểm nóng. Các điểm nóng còn lại cũng đang có chuyển biến tích cực như kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào các sông, suối chảy vào hồ cấp nước sinh hoạt; kiểm soát tốt các hoạt động chế biến mủ cao su, hoạt động chế biến tinh bột mỳ.
Môi trường nguồn nước