Xây dựng “cuộc đua” truyên thông tài nguyên nước
Xu hướng truyên tải thông điệp qua tài nguyên nước
Vài năm trở lại đây, tài nguyên nước đã trở thành đề tài “hot” của báo chí và giới truyền thông. Chính vì vậy, việc truyền tải thông tin tài nguyên nước trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 vì thế phải thích ứng cho phù hợp.
Bắt đầu từ năm 2002
khi Bộ TN&MT mới thành lập và nhận chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Tài nguyên nước lúc đó được thành lập. Lúc đó, nói về tài nguyên nước, mọi người còn rất mơ hồ, chưa hiểu hết tầm quan trọng của tài nguyên nước. Đặc biệt là báo chí, truyền thông cũng rất ít tiếp cận để tuyên truyền.
Điều mà có lẽ ít người biết đến là Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, sau này là Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai khi ấy là người đầy tâm huyết. Chính ông là người truyền cảm hứng để giới truyền thông cảm nhận được tình yêu với tài nguyên nước và nhận thấy tầm quan trọng của nước trong đời sống kinh tế – xã hội và sinh hoạt. Từ đó, có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này. Thông điệp “Nước không phải là của trời cho. Tài nguyên nước là hữu hạn chứ không phải vô hạn. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống” đã được lan tỏa mạnh mẽ trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng khi ấy.
Ngày Nước thế giới (22/3) hàng năm được tổ chức rất bài bản để tiếp tục tuyên truyền và khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước trong cộng đồng. Với việc tuyên truyền mạnh mẽ, tài nguyên nước từ đó đã được ăn sâu vào trong ý thức của mỗi người dân, cộng đồng người.
Những năm gần đây
khi nhận ra giá trị to lớn của tài nguyên nước, các phương tiện thông tin đại chúng đã tiếp cận nhiều hơn, thậm chí hàng ngày, hàng giờ. Điển hình, việc TP. Đà Nẵng “đòi” thủy điện trả nước cho hạ du, bắt đầu cho việc tranh chấp nguồn nước giữa tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện từ hơn 10 năm trước, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Từ đó đến nay, hàng năm, Bộ TN&MT đều có Công văn hướng dẫn vận hành hồ chứa thủy điện lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du, đặc biệt, việc bảo đảm việc cấp nước an toàn cho TP. Đà Nẵng. Đồng thời, duy trì chương trình quan trắc môi trường nước mặc định kỳ với tần suất 4 – 5 đợt quan trắc/năm tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Tuy vậy, việc tranh chấp nguồn nước giữa tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện vẫn diễn ra suốt những năm qua mỗi khi mùa khô về.
Hay những ngày từ tháng 4 đến nay, trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng, tài nguyên nước của Việt Nam là đề tài bạn đọc quan tâm nhiều, có lẽ chỉ sau dịch COVID-19. Điều đó để thấy rằng, vai trò quan trọng của tài nguyên nước không thể thiếu trong đời sống xã hội.
Thông điệp truyền tải
Muốn truyền thông tốt và hiệu quả bản thân người viết phải am hiểu về lĩnh vực để có thể lựa chọn thông tin tới bạn đọc. Ngoài việc viết đúng, đủ còn phải lựa cách truyền tải sao cho hấp dẫn nhất. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chạy đua về thông tin, chưa hiểu hết các quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước dẫn tới thông tin chưa được chính xác. Có những thông tin ảnh hưởng không tốt tới cơ quan quản lý Nhà nước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.
Chẳng hạn, việc truyền thông về việc Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền tài nguyên nước đã có luồng ý kiến truyền thông trái chiều, không đúng bản chất của vấn đề, cho rằng có vấn đề lợi ích nhóm ở đây. Trước thực tế đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc thông tin, định hướng dư luận để thấy rằng việc Quốc hội đồng ý cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước về mặt bản chất thì người dùng điện, dùng nước sẽ không phải nộp thêm khoản tiền nêu trên chứ không phải các nhà máy điện, nhà máy nước được miễn. Vì vậy, có thể khẳng định rằng không có vấn đề về lợi ích nhóm. Ở đây có phần là do cơ quan quản lý chưa thông tin rộng rãi tới báo chí để họ hiểu rõ ngọn ngành vấn đề.
Từ vấn đề này để thấy rằng, nếu truyền thông đúng sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn, còn ngược lại sẽ để lại hậu quả khôn lường. Đặc biệt hiện nay, khi Việt Nam tiếp cận với cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, một thông tin phát đi có thể lan tỏa trên toàn cầu.